Phân biệt 4 khái niệm: Branding, Marketing, Quảng cáo, PR
Đây là 4 khái niệm hoàn toàn khác biệt nhưng thường bị nhầm lẫn hoặc gộp chung thành 1 khái niệm duy nhất, không chỉ đối với đại đa số người tiêu dùng mà còn cả những doanh nghiệp mới bước chân vào thị trường. Việc phân biệt được rõ ràng những khái niệm này sẽ giúp bạn có những bước đi và lựa chọn đúng đắn hơn trong việc xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Dưới đây là những định nghĩa và so sánh giúp bạn nhìn đúng được bản chất của từng thuật ngữ Branding, Marketing, Quảng cáo, PR.
1. Marketing
Philip Kotler – cha đẻ của Marketing hiện đại đã đưa ra định nghĩa “Marketing là một dạng hoạt động của con người nhằm thỏa mãn những nhu cầu và mong muốn của họ thông qua trao đổi”. Trong khi đó, Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ cho rằng “Marketing là quá trình lên kế hoạch và tạo dựng mô hình sản phẩm, hệ thống phân phối, giá cả và các chiến dịch xúc tiến nhằm tạo ra những sản phẩm hoặc dịch vụ có khả năng thỏa mãn nhu cầu của các cá nhân hoặc tổ chức nhất định”.
Như vậy, có thể hiểu Marketing là những nỗ lực của doanh nghiệp nhằm đáp ứng được nhu cầu và thỏa mãn người tiêu dùng, biến những nhu cầu đó trở thành cơ hội thu được lợi nhuận cho doanh nghiệp. Marketing bắt nguồn từ việc nghiên cứu thị trường, phát hiện nhu cầu và cung cấp hàng hóa thỏa mãn những nhu cầu đó.
Hoạt động của Marketing giống như việc khách hàng của bạn đang đói, bạn liền nướng một chiếc bánh và tự mình nói với họ rằng “Tôi đã tạo ra một chiếc bánh rất ngon và có thể khiến bạn no bụng”. Chiếc bánh của bạn chính là sản phẩm vừa thỏa mãn được nhu cầu ăn no của khách hàng, vừa giúp bạn có được lợi nhuận từ việc kêu gọi người khác mua nó.
Tôi tin bạn đã từng nghe câu chuyện này: có một hãng giày của Mỹ đã cử 2 nhân viên marketing đến Châu Phi. Cả hai người đều phát hiện ra ở đó người dân toàn đi chân trần. Những mỗi người lại báo cáo về công ty theo một hướng khác nhau:
Nhân viên marketing 1: sếp, ở đây không ai đi giầy, mình sẽ khó có thể bán giầy ở đây.
Nhân viên marketing 2: sếp, ở đây mọi người không quen đi giầy, đây sẽ là cơ hội bởi thị trường rất lớn.
Có thể hiểu marketing là quá trình tìm (phát hiện) ra nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của họ, dựa trên những nền tảng (sản phẩm, dịch vụ, hệ thống,..) mà chúng ta đang có.
2. Quảng cáo
Quảng cáo là khái niệm dễ bị nhầm lẫn nhất với Marketing, bởi hoạt động quảng cáo cũng mang nội dung trực tiếp liên quan tới sản phẩm hoặc dịch vụ. Hiệp hội quảng cáo Mỹ định nghĩa: “Quảng cáo là hoạt động truyền bá thông tin, trong đó nói rõ ý đồ của chủ quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ của chủ quảng cáo trên cơ sở thu phí quảng cáo, không trực tiếp nhằm công kích người khác”.
Làm thế nào để phân biệt giữa quảng cáo với các hình thức truyền thông khác? Người ta dựa trên 6 yếu tố để xác định quảng cáo:
– Quảng cáo là một hình thức truyền thông được trả tiền để thực hiện.
– Người chi trả cho nội dung quảng cáo là một tác nhân được xác định.
– Nội dung quảng cáo nhằm thuyết phục hoặc tạo ảnh hưởng tác động vào người mua hàng.
– Thông điệp quảng cáo có thể được chuyển đến khách hàng bằng nhiều phương tiện truyền thông khác nhau.
– Quảng cáo tiếp cận đến một đại bộ phận khách hàng tiềm năng.
– Quảng cáo là một hoạt động truyền thông marketing phi cá thể
3. PR – Public Relations
PR (Public Relations) có nghĩa là quan hệ công chúng. Hiệp hội Quan hệ công chúng Mỹ (PRSA) định nghĩa “Quan hệ công chúng là một quá trình truyền thông chiến lược nhằm xây dựng các mối quan hệ cùng có lợi giữa các tổ chức và các nhóm công chúng của nó”
PR là cách mà doanh nghiệp quản lý hình ảnh của mình thông qua một tiếng nói thứ 3 như báo chí, người nổi tiếng… Hoạt động PR của doanh nghiệp chính là việc phân tích xem ai là những người có khả năng tác động đến công chúng mục tiêu của doanh nghiệp và thuyết phục họ chấp nhận truyền tải thông điệp của doanh nghiệp đến công chúng. Những người thuộc bên thứ 3 này đa phần là các cơ quan báo chí, những người có uy tín và hiểu biết sâu sắc trong xã hội.
Trong PR, doanh nghiệp không hoàn toàn làm chủ thông điệp về hình ảnh của mình bởi những hình ảnh và thông tin dù tốt đẹp hay không tốt đẹp cũng đều có thể được những bên thứ 3 lan truyền rộng rãi.
4. Branding
Branding hay xây dựng thương hiệu chính là việc khởi dựng niềm tin và lòng trung thành của khách hàng với sản phẩm và danh tiếng của doanh nghiệp bạn, giúp họ nhận diện và phân biệt sản phẩm của bạn với vô số những sản phẩm khác trên thị trường. Việc có được thương hiệu sẽ giúp bạn định vị chính mình trong tâm trí khách hàng và trở nên nổi bật giữa hàng ngàn đối thủ khác.
Không giống với 3 khái niệm đã nêu trên, Branding là quá trình xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp khiến khách hàng phải tự mình thốt lên những cảm nhận của họ về tên tuổi và sản phẩm của bạn. Khi muốn mua điều hòa, bạn nghĩ ngay tới Daikin, LG; khi muốn uống cà phê, bạn nghĩ tới Trung Nguyên, Highlands; khi nhìn thấy một người phụ nữ sử dụng túi xách của Louis Vuitton hay Chanel, bạn trầm trồ rằng họ thực sự đẳng cấp… Đó là một vài trong số rất nhiều ví dụ cho thấy hoạt động Branding thành công của các doanh nghiệp.
Nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa những khái niệm này, nhưng Branding, Marketing, Quảng cáo, PR là những phạm trù riêng biệt. Cần nắm bắt đúng từng công việc cụ thể trong toàn bộ chuỗi giá trị của doanh nghiệp, khi đó doanh nghiệp sẽ giành chiến thắng trên mọi lĩnh vực của cuộc chiến phát triển bền vững.